SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH | NGƯỜI MỤC TỬ BIẾT YÊU VÀ BIẾT HY SINH VÌ ĐÀN CHIÊN

19/04/2024
795


NGƯỜI MỤC TỬ BIẾT YÊU VÀ BIẾT HY SINH VÌ ĐÀN CHIÊN

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Chúa Nhật IV Phục Sinh thường được gọi là "Chúa Nhật Chúa Chiên Lành", và cũng là ngày chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho ơn thiên triệu Linh mục và Tu sĩ. Hình ảnh người Mục tử xem ra là một đề tài được Chúa Giêsu nhiều lần nhắc tới. Vì thế, Ngài không bỏ lỡ cơ hội nào để diễn tả thật rõ ràng, thật đậm sâu  những đức tính của người Mục tử.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nêu bật đặc tính của người Mục tử là biết các con chiên của mình. Theo ngôn từ của Kinh Thánh, biết đồng nghĩa với yêu. Và khi thật sự yêu thì Mục tử sống trọn một đức tính khác cũng được Đức Giêsu nêu lên, đó là thí mạng sống mình cho đoàn chiên.

Chúa Giêsu chính là vị Mục Tử Nhân Lành, chẳng những Ngài đã lo lắng cho đoàn chiên của Ngài là Giáo Hội, mà Ngài còn lo lắng cho từng con chiên của Ngài là mỗi người chúng ta, Ngài còn hy sinh cả mạng sống Ngài cho đoàn chiên. Chúa Giêsu đã hy sinh cả cuộc sống mình cho người khác, thì số đông mục tử của Chúa, trải qua các thế hệ cũng đã noi gương Chúa, hy sinh mạng sống mình cho tha nhân, hy sinh cuộc đời cho Chúa.

Linh mục Gioan Đạt sinh năm 1765 tại Thanh Hóa. Một hôm, cha vừa dâng Thánh lễ an táng tại một tư gia xong, thì quân lính ập đến. Giáo dân đưa cha ra sau nhà, chỉ lối cho cha chạy thoát. Nhưng cha không đành lòng bỏ rơi họ để chạy trốn, vì khi đó lính đã tìm thấy chén Thánh và áo lễ, và đang tra tấn chủ nhà, ông trùm Mới và một số tín hữu khác. Cha tự nguyện ra trình diện, nói với anh em giáo dân: “Vẫn biết tôi có thể trốn thoát, nhưng làm thế anh chị em sẽ phải khổ nhiều”.

Mới thi hành chứa vụ Linh mục được 6 tháng thì 6 cuộc bách hại đạo diễn ra tại Thanh Hóa một cách rất gắt gao. Quan Trấn ra lệnh cho quân lính truy nã các tín hữu, nhất là các đạo trưởng. Cha Đạt phải trốn lên rừng một thời gian. Tuy nhiên, mỗi khi thấy tình hình có vẻ lắng dịu, cha thường lẻn về các giáo xứ thi hành mục vụ.

Vừa bắt được cha, lính trói cha lại, đánh đập tàn nhẫn cùng với thầy Tâm và mấy quý chức giáo xứ. Các giáo hữu ở đấy, định cậy đông người muốn dừng sức mạnh giải vây cứu cha, nhưng cha cản họ: “Cứ để tôi vâng theo Thánh Ý Chúa, anh chị em ở lại bình an, kiên trung giữ đạo, và nhớ cầu nguyện cho tôi được vững đức tin đến cùng”. Chiêng trống đổ hồi, mọi người phải lui ra xa. Lý hình vung gươm kết liễu cuộc đời vị Linh mục trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và can trường.

Kính thưa cộng đoàn,

Trong thế giới ngày nay nhiều khi rất khó nhận diện ra sói dữ, nhưng muốn bảo vệ cộng đoàn, người Mục tử phải để lợi ích thiêng liêng và hạnh phúc của tín hữu lên trên hết các việc thường ngày, chớ không phải các lợi lộc riêng tư, danh dự của mình, hay thứ gì khác. Để có được điều đó, người Mục tử cần phải thường xuyên học hiểu và trau dồi luyện tập mỗi ngày. Từng giọng điệu và kiểu cách cho tới các cử chỉ, từ ngữ và hình ảnh. Hình ảnh sử dụng đơn sơ, sáng sủa, rõ ràng, nhưng ý nghĩa súc tích và thích hợp hầu có thể chuyển đạt sứ điệp Tin Mừng của Chúa đến cho tín hữu một cách hữu hiệu hơn, xác tín và sâu xa hơn. Làm thế nào để lời của người Mục tử rao giảng luôn làm giàu cho người nghe, thắp sáng lên trong tâm hồn họ sức mạnh tinh thần, nung nấu đốt cháy con tim họ, và thúc đẩy họ tiến đến gần Thiên Chúa. Đồng thời, người Mục tử cần hiểu biết từng hoàn cảnh của người giáo dân. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, hiểu biết có nghĩa là bước vào trong tương quan hiệp thông với tha nhân. Vì thế, người Mục tử là người có liên hệ huynh đệ nhân bản với con chiên của mình. Biết chú ý đến sự khác biệt, không lẫn lộn tinh thần hiệp nhất với sự đồng nhất, máy móc một chiều. Nhưng để có thể hiểu biết con chiên của mình, người Mục tử cần phải biết tiếp xúc với họ, nhất là cần phải biết lắng nghe họ nói. Biết cố gắng nhìn mọi người với con tim của mình, sẵn sàng học hỏi nơi con chiên của mình. Mà con chiên có thể cho các Mục tử biết bao nhiêu là bài học quí giá trên mọi bình diện cuộc sống, từ các đức tính xã hội, nhân bản, cho đến các nhân đức Kitô giáo là đức tin, đức cậy, đức mến và sự thánh thiện.

Con người ngày nay vẫn khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa, thế nhưng ở thời đại nào cũng có những tiên tri giả, thời đại nào cũng có kẻ mà Tin Mừng hôm nay được Chúa Giêsu gọi là quân trộm cướp. Họ không qua cửa là Chúa Giêsu để dẫn đến sự sống đích thực, mà chỉ có quanh quẩn ở những nơi lừa đảo dẫn đến chết chóc mà thôi. Có biết bao nhiêu người đang bị các tiên tri giả và quân trộm cướp ấy đưa dẫn đến một thứ thiên đàng ảo tưởng mơ hồ.

Giá trị của sự sống tùy thuộc vào phẩm chất của sự sống. Thiên Chúa không muốn ban cho chúng ta một sự sống tầm thường, kém phẩm chất. Ngài muốn ban cho chúng ta sự sống thượng đẳng, hảo hạng. Ngài muốn đưa chúng ta tới tột đỉnh của sự sống. Ngài ban cho chúng ta sự sống của chính Ngài, gọi là sự sống thần linh. Kitô hữu là người được hiệp thông sự sống với Thiên Chúa...được hội nhập, chia sẻ sự sống của chính Ba Ngôi. Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Chúa: đó là thực chất của đời Kitô hữu.

Khác với những người chăn thuê giữ mướn, những người lợi dụng và trộm cướp, người chăn chiên lành chỉ biết phục vụ đoàn chiên và cứu thoát đoàn chiên khỏi mọi sự dữ. Đối lại, con chiên nghe tiếng người chăn, hăm hở đi theo và tỏ tình yêu mến. Người mục tử đi trước để bảo vệ đoàn chiên, đoàn chiên theo sau ngoan ngoãn và tín nhiệm. Chúa nói: “ Ta đến để mọi người được sống và được sống dồi dào”, cho dầu phải trả bằng một giá rất cao, bằng chính mạng sống mình.

Nơi Chúa Giêsu, con người gặp gỡ Thiên Chúa và cũng gặp anh em mình. Nhưng con người ta có kẻ tốt và người xấu, kẻ thánh thiện và người tội lỗi. Đối với đoàn chiên hiền lành, có kẻ không qua cửa mà đột nhập vào, họ là kẻ trộm cướp, đến để ăn cướp, để sát hại và phá hủy. Vì thế, Chúa Nhật IV Phục Sinh hôm nay Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ có Đức Giêsu, Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta chỉ có thể có sự sống đích thực khi chúng ta đi trong con đường là chính Ngài. Chúng ta chỉ có thể biết được chân lý về con người, nghĩa là chúng ta chỉ có thể biết mình bởi đâu mà ra, mình sẽ đi về đâu và mình sẽ phải sống như thế nào, đó là chúng ta chỉ có sự sống trong và nhờ Đức Kitô mà thôi. Theo vết chân của vị Mục Tử Giêsu chúng ta sẽ thấy đời ấm áp.

 

Lm. Joseph Phan Cảnh